quy dau tu la gi, so sanh quy dong va quy mo

Quỹ đầu tư là gì? Có nên đầu tư vào quỹ mở không?

Xin chào mọi người,

Đây là bài viết đầu tiên của Chuyên mục “Đầu Tư“. Tôi xin phép được trình bày về quỹ đầu tư, cũng như một số kiến thức cơ bản về quỹ đóng và quỹ mở.

Đã là một nhà đầu tư (NĐT), chúng ta luôn muốn tìm kiếm một cơ hội để đầu tư gia tăng tài sản tốt nhất. Bên cạnh những hình thức tuyệt vời như Chứng khoán, BĐS, Vàng, Ngoại tệ,.. thì cũng đâu thể nào bỏ qua Quỹ đầu tư được bạn nhỉ?

Khiêm tốn là vậy, nhưng thực sự thì Quỹ đầu tư là một trong những kênh đem lại hiệu quả cao nhất cho phần đông! (***)

Và đây có thể là ưu tiên số 1 của hầu hết cá nhà đầu tư cá nhân. Chỉ một phần nhỏ các Nhà đầu tư “toàn thời gian” mới dám mạo hiểm với các kênh “cảm giác mạnh” khác.

Giới thiệu sơ qua như vậy để bạn định hình được Quỹ đầu tư là cái thể loại gì? Bởi ngày trước khi còn loay hoay đi tìm đọc những kiến thức này, tôi thật sự bị rối não bởi đống thông tin hỗn tạp từ Internet.

Rồi, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu nào:

Một vài khái niệm kinh tế – tài chính cơ bản

Tại sao bàn về quỹ đầu tư mà tôi lại trình bày mấy thứ linh tinh khác thế này?

Khoan đã nào, không linh tinh đâu nha. Vì để hiểu được quỹ đầu tư, bạn cần phải hiểu cơ bản các khái niệm này.

À mà ở đây, Trợ Lý Tài Chính sẽ không trình bày chúng theo cách hàn lâm như trong “sách vở” đâu. Tại sao vậy?

Thứ nhất, có vẻ tôi cũng đã từng đọc qua những cách định nghĩa “hàn lâm” như vậy ở đâu đó. Nhưng rồi vẫn chẳng hiểu mô tê răng rứa là bao. Và giờ tôi cũng quên mất rồi.

Thứ hai, tôi biết khi bạn đọc bài này thì bạn cũng mới bắt đầu làm quen với những khái niệm đó. Vì thế tôi tin cách viết dân-quê, hiểu-sao-nói-vậy của tôi giúp bạn nắm nhanh hơn.

Rồi, đi từng cái một nhé:

1. Trái phiếu là gì?

Còn nhớ cách đây ít năm, tôi chỉ mới nghe loáng thoáng cái từ “trái phiếu” ở đâu đó. Nhưng thực sự là không hiểu gì đâu, mà cũng chẳng mấy quan tâm.

Nếu bạn muốn biết khái niệm chuẩn về trái phiếu, hãy tham khảo ở Wiki.

Còn tôi, tôi hiểu một cách đơn giản. Trái phiếu là một tờ giấy xác nhận nợ, bạn có thể hình dung nó giống như một cái sổ nợ, sổ tiết kiệm có kỳ hạn vậy đấy.

Theo đó, tờ giấy này là cái giao ước về một khoản vay. Đến hạn trả nợ, người đi vay (người phát hành trái phiếu) phải trả đầy đủ phần gốc và phần lãi cho người cho vay (trái chủ) theo quy ước ban đầu ghi trong trái phiếu.

Người cho vay (trái chủ) tức là người mua trái phiếu, họ có toàn quyền với tờ trái phiếu này. Được phép bán trước hạn cho người khác, với giá cao hơn hay thấp hơn tùy thích.

trái phiếu là gì, trái phiếu chính phủ là gì

Một số loại trái phiếu phổ biến nhất:
  • 1/ Trái phiếu chính phủ: do Chính phủ phát hành, rủi ro thấp nhất.
  • 2/ Trái phiếu doanh nghiệp: do Doanh nghiệp phát hành, có thể là doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân.
  • 3/ Trái phiếu ngân hàng và các tổ chức tài chính.

2. Cổ phiếu là gì?

Khác với trái phiếu, tôi nghĩ “cổ phiếu” có vẻ quen thuộc với nhiều người hơn.

Cổ phiếu là giấy chứng nhận quyền sở hữu một phần công ty (cổ phần), tức là góp vốn vào công ty. Người sở hữu cổ phiếu (tức người mua cổ phiếu) được gọi là cổ đông, cũng là một chủ sở hữu của công ty này.

Cổ phiếu không qui định lợi nhuận, lợi tức sẽ thay đổi theo kết quả kinh doanh của công ty, có thể lời và cũng có thể lỗ.

Cổ phiếu không có thời hạn, nghĩa là công ty không có trách nhiệm trả lại tiền góp vốn. Khi người sở hữu cổ phiếu cần tiền thì đem bán cổ phiếu cho người khác.

Một người mua cổ phiếu với mong muốn rằng khi công ty làm ăn có lãi, họ được hưởng phần trăm lãi của công ty tùy thuộc số lượng cổ phiếu nắm giữ.

3. Thị trường chứng khoán là gì?

Ở trên trolytaichinh đã giúp bạn hiểu 2 sản phẩm tài chính quan trọng là trái phiếu và cổ phiếu. Chúng là 2 loại chứng khoán phổ biến nhất.

Vậy bạn có tự hỏi 2 thứ này được mua bán, trao đổi hay giao dịch ở đâu không?

Nếu các hàng hóa mà chúng ta sử dụng hàng ngày như rau, gạo, thịt, cá được mua bán ở chợ hay siêu thị,… Thì thị trường chứng khoán (TTCK) chính là cái chợ để mua bán các loại chứng khoán.

Vậy, thị trường chứng khoán là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán. Các loại chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, và một số công cụ tài chính khác như: chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng khoán phái sinh.

Hình tượng hóa cho dễ hiểu: thị trường chứng khoán có thể là Sở giao dịch chứng khoán, các công ty môi giới chứng khoán và cả ở thị trường chợ đen.

Nhờ sự phát triển của công nghệ và Internet, hình thức giao dịch có thể là ngoại tuyến (offline) hoặc trực tuyến (online).

quỹ đầu tư là gì, thị trường chứng khoán là gì

Ô cê, giờ thì bạn đã nắm đươc một vài khái niệm tài chính cơ bản rồi chứ.

Và đã đến lúc để đi vào nội dung chính của bài này – quỹ đầu tư:

Quỹ đầu tư là gì?

Trước tiên, chúng ta nói sơ qua một chút về chữ “đầu tư”.

Đầu tư là việc mua một tài sản nào đó, và kỳ vọng nó sẽ tạo ra thu nhập hoặc có giá tốt trong tương lai để bán được với giá cao hơn. Đầu tư là nhằm mục đích gia tăng tài sản.

Và “quỹ đầu tư” đơn giản là một trong các hình thức đầu tư.

Định nghĩa: Quỹ đầu tư (hay còn gọi là quỹ đại chúng) là quỹ huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư (NĐT) để đầu tư vào các loại tài sản tuân thủ theo mục tiêu đầu tư được xác định. Quỹ được quản lý bởi một đội ngũ chuyên gia làm việc toàn thời gian và được ngân hàng giám sát được chỉ định để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Quỹ đầu tư được lập ra và vận hành bởi Công ty quản lý quỹ.
Cụ thể:

Các nhà đầu tư sẽ góp vốn vào Quỹ đầu tư. Vốn được chia nhỏ thành nhiều phần bằng nhau gọi là đơn vị quỹ (ĐVQ) hay chứng chỉ quỹ (CCQ). ĐVQ hay CCQ là một loại chứng khoán như tôi đã nói ở phần trước. Giá ban đầu của một ĐVQ ở Việt Nam là 10.000 VND. Giá ĐVQ sẽ tăng giảm trong thời gian hoạt động của quỹ.

Nói theo một cách khác thì quỹ đầu tư là một hình thức đưa tiền cho công ty quản lý quỹ sinh lời giùm cho mình. Đổi lại thì công ty quản lý quỹ được trả công trên số tiền họ quản lý (khoảng 1-2%/năm).

Công ty quản lý quỹ không cam kết sẽ lời được bao nhiêu, họ chỉ cố gắng làm tốt nhất. Khi công ty quản lý quỹ làm tốt, sinh lời nhiều thì sẽ có nhiều người gửi tiền vào. Và khi đó, họ được nhận nhiều tiền công hơn.

Các danh mục mà công ty quản lý quỹ đầu tư vào chủ yếu là các loại chứng khoán trên thị trường như: cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng,…

Tham gia quỹ đầu tư tức là mua chứng chỉ quỹ (CCQ). Có thể xem mỗi CCQ như một chỉ vàng vậy. Bạn có thể cất vàng vào trong két và bán lại nó bất kỳ khi nào mà không sợ bị trượt giá như tiền mặt. Nếu gửi tiết kiệm bằng tiền mặt vào ngân hàng thì sẽ đẻ ra tiền lời. Còn mua CCQ, thực tế nó chẳng sinh ra thêm CCQ nào cả, mà NĐT có lời khi CCQ tăng giá ở thời điểm bán ra (lưu ý là cũng có thể lỗ vì giá CCQ giảm).

So sánh 2 dạng quỹ đầu tư: quỹ đóng và quỹ mở?

1. Quỹ đầu tư đóng

Qũy đóng là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ (CCQ) một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn cho quỹ. Quỹ không thực hiện việc mua lại chứng chỉ đầu tư khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại.

Nhằm tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Các nhà đầu tư có thể mua hoặc bán để thu hồi vốn đầu tư của mình thông qua thị trường thứ cấp. Chứng chỉ quỹ có thể được giao dịch thấp hoặc cao hơn giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV).

2. Quỹ đầu tư mở

Quỹ mở là hình thức phát hành chứng chỉ ̣quỹ (CCQ) thường xuyên, không hạn chế thời hạn mua bán và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Giao dịch mua bán của nhà đầu tư (NĐT) được thực hiện định kỳ vào ngày giao dịch căn cứ vào giá trị tài sản ròng (NAV). Giao dịch này được thực hiện trực tiếp với công ty Quản Lý Quỹ hoặc tại các Đại lý chỉ định.

Đối với hình thức quỹ mở, các giao dịch mua bán CCQ được thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ. Và các CCQ không được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

>> Một số điểm khác biệt cơ bản giữa quỹ mở và quỹ đóng:
Đặc điểm Quỹ mở Quỹ đóng
Phát hành ĐVQ Thường xuyên, bất kỳ khi nào NĐT muốn mua. Chỉ phát hành một đợt rồi đóng quỹ.
Chuyển nhượng ĐVQ NĐT bán lại cho CTQLQ. CTQLQ cam kết mua lại mọi lúc. Các nhà đầu tư chuyển nhượng với nhau.
Giá giao dịch Theo giá trị tài sản quỹ. Thoả thuận giữa bên mua và bên bán, độc lập với giá trị tài sản quỹ.
Tính thanh khoản Tính thanh khoản cao. Thấp hơn, tương tự cổ phiếu đơn thuần.
Mua/Bán CCQ Trực tiếp từ quỹ với phí giao dịch. Từ nhà môi giới với phí môi giới giao dịch.
Biến động giá so với giá trị tài sản ròng (NAV) Tương đối thấp. Giá giao dịch biến động hơn so với NAV.
Niêm yết CCQ trên TTCK KHÔNG niêm yết. CÓ niêm yết.

Trong đó quỹ mở vẫn là hình thức được các nhà đầu tư ưa chuộng hơn, bởi sự linh hoạt và nhiều điểm ưu việt. Qua đó bạn cũng đã thấy được những khác biệt của quỹ đóng và quỹ mở, cũng như ưu điểm và nhược điểm của mỗi loại quỹ rồi chứ?

Vậy thì:

Có nên đầu tư vào quỹ mở không?

Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều người. Khi mà họ nhìn thấy được quỹ mở quá hấp dẫn. Tuy nhiên vẫn còn chút e ngại nào đó mà họ chưa sẵn sàng để đầu tư vào quỹ mở.

Vậy với câu hỏi: “Có nên đầu tư vào quỹ mở hay không?”, trolytaichinh.com xin phép được trả lời như sau:

Nếu gửi tiết kiệm Ngân hàng là một cách đầu tư ngắn hạn, chính xác thì dùng nó như tủ giữ tiền tạm thời. Bởi suy cho cùng lãi suất ngân hàng vẫn khá thấp, chỉ vừa đủ để vượt qua chỉ số lạm phát.

Và để đầu tư thực sự hiệu quả, giúp gia tăng tài sản nhanh chóng, chúng ta cần nghĩ đến các phương pháp đầu tư trung và dài hạn.

Một số kênh để bạn tham khảo như: Bất động sản, Vàng, Ngoại tệ, Trái phiếu, Cổ phiếu tự do,… Tất cả đều tốt, nhưng lại không phải là tốt cho tất cả mọi người!

Bởi trong đầu tư, ngoài lợi nhuận, bạn còn phải hết sức lưu ý về 6 loại rủi ro sau:
  • (1) Rủi ro thị trường
  • (2) Rủi ro lãi suất
  • (3) Rủi ro sự kiện
  • (4) Rủi ro thanh toán
  • (5) Rủi ro lạm phát
  • (6) Rủi ro thanh khoản

Chi tiết về từng loại rủi ro trên, Trợ Lý Tài Chính sẽ trình bày cụ thể ở một bài viết khác.

Ai cũng biết, rủi ro là kẻ thù số 1 của các nhà đầu tư. Vậy đâu là cách để bạn giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất? Kiến thức và kinh nghiệm của bạn đủ nhiều để vượt qua hết đống rủi ro ở trên chứ?…

Khi đó, quỹ đầu tư mở là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các NĐT. Nhờ một số lợi ích sau:
  • Có thể bắt đầu tham gia với một số tiền nhỏ (tầm vài triệu VND).
  • Tính linh hoạt và tính thanh khoản cao (được đầu tư thêm và rút tiền bất kỳ lúc nào).
  • Lợi nhuận tốt đến rất tốt.
  • Phí mua và phí bán (nếu có) khá thấp và cạnh tranh.
  • Dễ dàng theo dõi biến động của quỹ và tài khoản của mình.
  • NĐT không cần phải làm gì cả, chỉ theo dõi và ra lệnh (nếu muốn).

Với những phân tích trên, tôi tin là bạn đã tự mình trả lời được câu hỏi: Có nên đầu tư vào quỹ mở hay không? Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng, và bạn cũng có quan điểm của chính bạn đấy!

Một số công ty quản lý quỹ có giải pháp quỹ mở ở Việt Nam mình: VCBF (Vietcombank), VinaCapitial, Eastspring Investment, BaoViet Fund, SSIAM, v.v.

>> À, bạn biết không: Manulife là Cty bảo hiểm nhân thọ duy nhất tại VN có cung cấp 2 sản phẩm Quỹ mở đơn thuần (quỹ mở đại chúng) đấy.

Lời kết

Quá lằng nhằng và phức tạp!” – đó chính là cảm nhận của tôi khi mới bắt đầu tìm hiểu về các “quỹ đầu tư”. Và tôi nghĩ nếu bạn mới làm quen với chúng, bạn cũng gặp điều tương tự.

Bởi để thực sự hiểu nhiều về quỹ đầu tư, đòi hỏi bạn phải có kiến thức căn bản nhưng đủ rộng về kinh tế – tài chính.

Biết được như vậy, nên tôi đã cố gắng để trình chúng theo cách đơn giản và bình dị nhất. Tôi đã phải né tránh những khái niệm hàn lâm trong “sách vở” hết sức có thể.

Dẫu vậy, chắc cũng rất khó đối với một người mới hoàn toàn bởi mớ kiến thức hỗn độn về tài chính này. Đừng lo, tôi đã từng như thế và giờ thì đỡ nhiều rồi!!!

Nếu bạn còn chưa rõ điểm nào, hãy mạnh dạn bình luận bên dưới bài viết. Không chỉ tôi, mà mọi người đều có thể nhìn thấy và giúp đỡ bạn.

Và nhớ chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nó hữu ích nhé!

Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bạn! Hẹn gặp lại ở các bài viết tiếp theo 🙂

>> Đọc tiếp: [So sánh] 1001+ Hình Thức Đầu Tư Tài Chính 2019?

Trợ lý tài chính Anba —

Nhận thông báo bình luận
Thông báo qua email khi có:
guest
9 Comments
cũ nhất
mới nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Duan

Bài viết rất hay, cảm ơn bạn

nguyễn chiến Thắng

Có lẽ lên tham gia quỹ thôi !

Đỗ Anh Tuấn

Cảm ơn bạn!
Bạn viết rất dễ hiểu.

Mình tên Tuấn.
Cho mình hỏi thêm, theo ý kiến cá nhân của bạn, trong các công ty quản lý quỹ có giải pháp quỹ mở ở Việt Nam mình: VCBF (Vietcombank), VinaCapitial, Eastspring Investment, BaoViet Fund, SSIAM,…thì công ty nào quản lý tốt và lý chi phí hợp lý nhất.

Mình ở nước ngoài, có tích lũy được một số tiền nhỏ, có cách nào để đầu tư vào quỷ mở và quản lý tài sản của mình bằng internet không?

Cảm ơn

Hà đình đô

Anh cho em hỏi nếu mình muốn mở tài khoản ở quỹ thì mình mở ở đâu và cần những gì ạ, và chứng chỉ quỹ nó ở dạng giấy chứng nhận hay con số điện tử ạ tkanks all

Nhung

Chao anh bài viết của anh khá de hieu với một người mới tìm hiểu như em e cũng muốn mở quỹ nếu như mình mở 1 quỹ ở vcb thì mình phải trực tiếp đến đó không ạ và thủ tuc thì như thế nào ạ