các hình thức đầu tư tài chính

[So sánh] 1001+ Hình Thức Đầu Tư Tài Chính (Làm Giàu) 2022

Xin chào, đã bao lâu rồi kể từ ngày tôi viết về “quỹ đầu tư” đến giờ ấy nhỉ?

Không nhớ lắm, nhưng thấy cũng lâu phết ấy chứ!

Hôm nay tôi chợt muốn làm một bài siêu chất để nói về toàn bộ các hình thức đầu tư tài chính trên cõi đời này.

Thực ra thì quỹ đầu tư chỉ là một trong những hình thức thức đầu tư tài chính được ưa chuộng nhất hiện nay…

Và bên cạnh đó là hàng tỷ cách thức đầu tư tiền khác nhau, mà tùy mỗi người sẽ có sở thích và sở trường riêng.

Nếu như quỹ đầu tư chưa đủ sức hấp dẫn với bạn, thì những hình thức đầu tư mà tôi sắp nói đến bên dưới có thể là cái bạn cần đấy.

Ngay tại bài viết này, bạn sẽ nhìn thấy tất tần tật các loại hình đầu tư tài chính đa dạng, cả ở Việt Nam và cả ở nước ngoài luôn.

Chúng chính xác là những thứ mà các nhà đầu tư (NĐT) đang tiếp cận mỗi ngày, là những cách đầu tư tiền mà giúp họ có thể gia tăng tài sản & làm giàu hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, trolytaichinh cũng đưa ra một số gợi ý cùng hướng dẫn nho nhỏ cho từng cách đầu tư một… Đồng thời là những lời khuyên giá trị cho bạn trước khi bạn có ý định bắt tay vào một hình thức đầu tư nhất định nào đấy.

Nói trước luôn là bài này cũng hơi bị dài (6172 từ), bạn nên chuẩn bị tâm thế để có thể cảm hết được những giá trị mà nó mang lại. Bỏ sót thì phí lắm bạn ạ!

Rồi, chúng ta bắt đầu nào:

1. Đầu tư tài chính là gì?

Trước hết chúng ta lướt sơ qua về chữ  “đầu tư” và “đầu tư tài chính” một chút chứ nhỉ?

Nói về đầu tư, thực ra là có rất nhiều thứ để bạn đầu tư.

Thường thường người ta hay mặc định chữ “đầu tư” là các hoạt động đầu tư liên quan đến tiền bạc, phải ra tiền thì mới gọi là đầu tư.

Nhưng thực tế, đâu nhất thiết phải là tiền thì mới đầu tư được. Bạn có thể đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ… của mình vào một việc hay một quá trình nào đấy.

Nói ra chi nghe cho phức tạp lên hả?

Nhưng thôi, các kiểu đầu tư mà tôi vừa nhắc, có dịp chúng ta sẽ bàn về chúng kỹ hơn. Còn ở đây, chúng ta chỉ nói về đầu tư tiền bạc thôi nhé, hay còn gọi là đầu tư tài chính đấy.

Khái niệm một chút ha:

Đầu tư tài chính là việc dùng tiền để mua một tài sản nào đó, và kỳ vọng nó sẽ tạo ra thu nhập hoặc có giá tốt trong tương lai để bán được với giá cao hơn. Hoặc chi tiền vào một quá trình/ hoạt động nào đó với kỳ vọng sẽ thu lại được nhiều hơn số tiền đã bỏ ra để kiếm lời. Đầu tư là nhằm mục đích gia tăng tài sản. Bạn có thể xem thêm định nghĩa từ wiki.

đầu tư tài chính là gì

Để dễ hình dung hơn, bạn có thể tưởng tượng một vài cách đầu tư tài chính thường thấy như: mua hàng hóa rồi về bán lấy lời; mua vàng chờ giá cao bán lại; mua cổ phiếu, trái phiếu hay các công cụ tài chính khác rồi đến lúc giá cao thì bán ra sẽ có lời; v.v.

Cơ bản là vậy, chi tiết hơn chúng ta sẽ cùng nhau liệt kê ra hết rồi phân loại tất cả chúng theo một cách khoa học nhất.

Okie, zô thôi:

2. Phân loại các hình thức đầu tư tài chính

Phải công nhận một điều rằng là, thế giới đầu tư thì bao la rộng lớn vô cùng. Và cho đến hiện tại, có ty tỷ cách để bạn đầu tư tài chính. Nhưng vấn đề là…

… không phải ai cũng hiểu rõ & cặn kẽ về từng hình thức một. Hơn nữa, tôi thấy bây giờ người ta lạm dụng cái chữ “đầu tư” quá đáng lắm luôn á.

Rất nhiều trường hợp dùng chữ “đầu tư” quá ư là bừa bãi. Thậm chí là sai rất sai, cố tình gây nhầm lẫn cho nhiều người, đặc biệt là những người mới.

Cũng vì lý do đó, hàng đống câu chuyện đầu tư thua lỗ SML. Mất trắng, gánh nợ, kiện tụng, lừa đảo… là chuyện thường tình ở huyện… Việt Nam mình ngày nay.

Và kết quả là, phần lớn người Việt mình ai cũng sợ đầu tư. Nghe tới đầu tư thôi là lắc đầu ngay, bỏ chạy mất dép.

Bởi vậy nên tôi mới phải nói kỹ và phân tích rõ ràng, mong rằng đôi chút góp sức của mình có thể giúp được một vài người cũng là vui lắm rồi.

Ở đây Trợ Lý Tài Chính sẽ phân loại hết các hình thức đầu tư tài chính theo phong cách đơn giản dễ hiểu nhất cho mọi người…

Dù bạn là dân đầu tư chuyên nghiệp, hay là một người chỉ mới bập bẹ nghiên cứu về những thứ này, tôi hy vọng chúng giúp bạn hiểu được một cách dễ dàng nhất có thể.

2.1. Đầu tư trực tiếp

Đầu tư trực tiếp là phương thức đầu tư trong đó nhà đầu tư (NĐT) trực tiếp tham gia quản lý vốn đã bỏ ra. Trong đầu tư trực tiếp người bỏ vốn và người quản lý sử dụng vốn là một chủ thể, tức cùng là một người luôn đấy.

Chủ thể đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư. Chủ thể này là người đứng ra lập công ty hay doanh nghiệp sản xuất/ thương mại/ dịch vụ, điều hành doanh nghiệp đó để đồng tiền có thể mang về lợi nhuận.

Ngoài ra thì các hình thức buôn bán nhỏ lẻ cũng có thể xem là một dạng đầu tư trực tiếp đấy bạn. Ví dụ như: mở quán tạp hóa, mở quán cơm, quán cafe, bán hàng ở chợ, bán hàng rong ngoài đường… chẳng hạn.

Trên thực tế, chỉ có 5% dân số thế giới là chủ doanh nghiệp thành công. Vì vậy, nếu không đủ năng lực để đầu tư trực tiếp thì người ta có thể chọn các hình thức đầu tư gián tiếp mà tôi sắp đề cập.

Và kể cả những chủ doanh nghiệp thành công chắc chắn cũng tham gia ít nhất một hình thức đầu tư gián tiếp nào đấy.

2.2. Đầu tư gián tiếp

Đầu tư gián tiếp là phương thức đầu tư mà nhà đầu tư (NĐT) không trực tiếp tham gia quản lý vốn đã bỏ ra. Hay nói cách khác, người bỏ vốn và người quản lý sử dụng vốn không phải là một chủ thể.

Có một số cách thức cụ thể để tham gia đầu tư gián tiếp như: hùn vốn vào doanh nghiệp kinh doanh (làm cổ đông), mua cổ phiếu, ủy thác đầu tư, tham gia quỹ đầu tư.

Hùn vốn vào doanh nghiệp

Nhà đầu tư có thể hùn vốn vào một doanh nghiệp đang hoạt động, khi đó NĐT này trở thành một cổ đông của doanh nghiệp.

Thay vì chỉ đơn giản là cho doanh nghiệp vay, bạn có thể trở một ông chủ giấu mặt của doanh nghiệp đó, mà vẫn cho phép bạn sở hữu một phần doanh nghiệp và nguồn thu nhập của nó…

Mua cổ phiếu

Nếu doanh nghiệp đó là công ty cổ phần thì vốn được quy ra thành các cổ phiếu. Các cổ phiếu đó được niêm yết trên thị trường chứng khoán và người đầu tư có thể chọn mua hoặc bán cổ phiếu một cách dễ dàng.

cách đâ

Hình thức đầu tư bằng cách mua cổ phiếu đòi hỏi bạn có một lượng kiến thức nhất định về hoạt động doanh nghiệp/ công ty, về thị trường chứng khoán, về sự biến động của thị trường…

Bên cạnh đó là khả năng theo dõi, phân tích, đánh giá, ra quyết định đúng lúc… thật tốt thì mới nên tham gia phương thức đầu tư này.

Ủy thác đầu tư

Ai đó muốn đầu tư gián tiếp nhưng không biết nên đầu tư vào doanh nghiệp nào thì có thể nhờ các tổ chức tài chính làm giúp, việc này được gọi là ủy thác.

Hợp đồng uỷ thác đầu tư thường có kỳ hạn một vài năm, tổ chức thực hiện đầu tư cam kết rằng NĐT sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn hoặc bằng lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng.

Ngoài lợi nhuận cam kết đó, nếu việc đầu tư sinh lợi nhiều thì khoản lợi cao hơn dự kiến đó sẽ được chia giữa NĐT & tổ chức thực hiện đầu tư.

Bạn lưu ý là với hình thức đầu tư này, lợi nhuận được trả hàng năm, không thể chấm dứt hợp đồng rút vốn trước hạn.

Tham gia quỹ đầu tư

Một tổ chức đứng ra lập nên các quỹ đầu tư, tổ chức này được gọi là công ty quản lý quỹ (CTQLQ).

Các nhà đầu tư sẽ góp tiền vào quỹ, thực ra là để mua các đơn vị quỹ. Còn CTQLQ thì dùng số tiền gộp lại đó để đầu tư vào các loại chứng khoán tốt trên thị trường (chủ yếu là cổ phiếu) nhằm thu về lợi nhuận.

Lợi nhuận này thì các NĐT sẽ được hưởng toàn bộ, nhưng NĐT có nhiệm vụ phải trả công cho CTQLQ vì đã giúp mình đầu tư sinh lời, thường là 1-2% mỗi năm trên số tiền tham gia đầu tư.

>> Chi tiết bạn xem ở bài: Quỹ đầu tư là gì, liệu có nên đầu tư quỹ mở? Gợi ý một số quỹ mở chất lượng tại Việt Nam.

Hình thức đầu tư vào quỹ, đặc biệt là quỹ mở là một giải pháp cực tốt dành cho các NĐT cá nhân có mong muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán… nhưng lại hạn chế về kiến thức, thời gian, kinh nghiệm cũng như độ nhạy với thị trường.

2.3. Đầu tư quyền sở hữu

Đầu tư quyền sở hữu nghĩa là bạn dùng tiền để mua một loại tài sản nào đó, lúc này bạn sẽ là chủ sở hữu của tài sản kia.

Bạn toàn quyền nắm giữ tài sản này đến lúc nào cũng được. Nhưng vì mục đích là đầu tư nên khi tài sản này “được giá” người ta sẽ bán đi để kiếm lợi nhuận.

Các loại tài sản mà bạn có thể mua để nắm giữ là rất nhiều và đa dạng. Chẳng hạn như: bất động sản (nhà đất, chung cư), vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, rượu, đồ cổ, bộ sưu tập, chứng chỉ tiền gửi, v.v.

Đầu tư bất động sản (BĐS)

Cho thuê căn hộ, mua đi bán lại nhà đất, phân lô bán nền đều là cách đầu tư bất động sản sinh lời. Mua bán bất động sản cần nguồn vốn lớn, ổn định và có mối quan hệ rộng rãi.

hình thức đầu tư vào bất động sản

Đầu tư vào bất động sản có 3 hình thức cơ bản:

  1. Mua bất động sản trực tiếp: bạn có thể mua bán một phần BĐS, tạo ra thu nhập từ cho thuê, chờ BĐS tăng giá rồi bán, hoặc sang sửa BDS sau đó đem bán để kiếm lợi nhuận. Đây là hình thức phổ biến được nhiều người sử dụng nhất.
  2. Hợp tác kinh doanh giới hạn bất động sản: đây là hình thức đầu tư tiền vào một công ty kinh doanh BDS để trở thành cổ đông. Các công ty này thường đầu tư vào BĐS thương mại như trung tâm thương mại, tổ hợp văn phòng hoặc tòa nhà chung cư.
  3. Tham gia quỹ tín thác đầu tư bất động sản: có rất nhiều quỹ tương hỗ bất động sản đầu tư vào BĐS hoặc các khoản cho vay thế chấp BĐS. Bạn có thể mua cổ phiếu của các quỹ này sau đó nhận thu nhập thông qua chia cổ tức hoặc sự tăng giá trị của cổ phiếu.

Ngoài ra còn một vài cách đầu tư kiếm tiền từ BĐS khác như mua bán các loại trái phiếu thế chấp BĐS, phù hợp với các NĐT có kinh nghiệm, những người mua các chứng khoán nợ với mức giá rẻ và vẫn sở hữu đầy đủ giá trị BĐS.

Đầu tư vàng

Có một sự thật thế này, rất nhiều người thích mua vàng kiếm lời, nhưng lại có đến 90% nhà đầu tư vàng tại Việt Nam bị thua lỗ. Nguyên nhân là đa số nhà đầu tư chủ yếu kinh doanh vàng mang tính nghiệp dư.

Thực tế là vàng không mất giá, chính xác mà nói là giá vàng tăng trong dài hạn đúng bằng lạm phát.

Trong một vài giai đoạn, do sự bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới, giá vàng tăng lên rất cao làm cho nhiều người nghĩ rằng giá vàng tăng nhanh hơn mức trượt giá.

Theo một nghiên cứu của ông Stephen Harmston, cho thấy giá vàng tính bằng bánh mì hầu như không tăng sau hơn 2.500 năm. Áp dụng điều đó ở Việt Nam, giả sử hôm nay một lượng vàng mua được 1.000 tô phở thì 30 hay 50 năm sau nó cũng chỉ mua được 1.000 tô phở. Giá vàng thì có lúc tăng lúc giảm rất nhanh, trong khi phở cứ tăng giá từ từ, cuối cùng thì giá vàng quy ra phở gần như không đổi.

Vậy nên, nếu muốn kiếm lời thì vàng chỉ thích hợp để đầu cơ chứ không nên dùng để đầu tư dài hạn. Thực tế đã chứng minh rồi đấy, vàng hoàn toàn không hề tăng giá trị.

Thay vào đó, nếu bạn vẫn có niềm yêu thích với vàng, bạn có thể đầu tư vào cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý… Ví dụ như cổ phiếu PNJ chẳng hạn.

Đầu tư ngoại tệ

Ngoại tệ được ưa chuộng nhất là đồng đô la Mỹ (USD). Rất nhiều người có sở thích tích lũy đồng USD, tức gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ.

Nếu giữ USD trong tủ thì còn dở hơn giữ vàng vì USD thật sự có mất giá theo thời gian. Nếu gửi tiết kiệm bằng USD thì dở hơn gửi tiết kiệm bằng tiền Việt Nam vì ngân hàng nhà nước có chính sách bảo vệ tiền Việt Nam.

Tóm lại đô la Mỹ cũng giống như vàng, và các ngoại tệ khác chỉ thích hợp để đầu cơ chứ không thích hợp để giữ lâu dài.

Cổ phiếu, chứng chỉ quỹ

Cách đầu tư vào 2 thứ này tôi đã nói ở phần trước (đầu tư gián tiếp), bạn xem lại nhé.

Một số loại tài sản khác

Các loại tài sản khác mà bạn có thể đầu tư quyền sở hữu như rượu, đồ cổ, bộ sưu tập… Rượu có thể gia tăng giá trị theo thời gian. Đồ cổ hay các bộ sưu tập để càng lâu có thể giá trị càng cao…

2.4. Đầu tư cho vay

Có thể nhiều người không nghĩ đến, nhưng hoạt động cho vay tiền cũng là một hình thức đầu tư đấy.

Phương thức đầu tư này mang lại lợi ích cho cả 2 phía, người cho vay (tức NĐT) và người đi vay đều có lợi.

Hoạt động cho vay vốn diễn ra có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Kết quả cuối cùng là NĐT sẽ kiếm được tiền lời từ việc dùng tiền nhàn rỗi của mình để cho vay.

Có 3 hình thức cho vay phổ biến nhất trên thị trường:

Cho vay trực tiếp

Cho vay trực tiếp là hình thức đầu tư của bên cho vay mà khoản vay đến thẳng người cần vay, không cần qua một bên trung gian nào cả.

Trong đời sống bạn có thể thấy đây là hình thức cho vay tư nhân, nghĩa là bên A cho bên B vay tiền một cách trực tiếp.

Ngoài ra, ngày nay hình thức cho vay trực tiếp này còn được “công hệ hóa” và trở nên phổ biến hơn. Đó là các sàn kết nối tài chính, cung cấp giải pháp trực tuyến để đẩy mạnh hoạt động cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending – P2P).

hình thức đầu tư cho vay ngang hàng p2p lending

Cụ thể thì, các công ty P2P lending cung cấp toàn bộ các dịch vụ hoạt động trực tuyến, kết nối trực tiếp người cho vay (NĐT) với người cần vay. Cái hay là chúng có thể vận hành với chi phí thấp hơn và cung cấp các dịch vụ rẻ hơn so với các tổ chức tài chính truyền thống.

P2P loại bỏ người trung gian tức là các nhân viên ngân hàng khỏi quy trình cho vay. Nhìn chung, điều này có nghĩa là tỷ lệ sinh lời cao hơn đối với nhà đầu tư và chi phí đi vay thấp hơn với người đi vay.

Trên thì giới thì hình thức này đã có từ rất lâu, tuy nhiên ở Việt Nam thì chỉ mới bùng phát gần đây thôi. Nhưng lưu ý rằng P2P lending không được công nhận ở nhiều nơi.

Gửi tiết kiệm ngân hàng

Nghe lạ quá nhỉ, gửi tiết kiệm ngân hàng sao lại gọi là hình thức đầu tư cho vay?

Thế này, thực ra thì khi bạn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, bạn có thể hiểu là mình đang cho ngân hàng vay tiền đấy. Và lãi suất gửi tiết kiệm chính là tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư này.

Gửi tiết kiệm có thể xem là một kênh đầu tư “tương đối” an toàn, ít rủi ro. Tuy nhiên, lợi tức thu được thì không đáng kể, chưa nói đến trường hợp bạn rút trước hạn thì xem như bằng không.

Lãi suất gửi tiết kiệm NH tại Việt Nam hiện tại cao lắm thì cũng chỉ 7-8% năm. Trong khi lạm phát có thể đến 5-6% năm, vậy thì bạn dễ dàng tính được là mình thu lợi về từ hình thức đầu tư này ra sao rồi đấy.

Chưa kể, gần đây, tôi thấy liên tiếp xảy ra những vụ việc kiểu như:

  • Khách hàng VIP mất tiền tỷ trong sổ tiết kiệm,
  • Thậm chí, cán bộ ngân hàng câu kết với nhau để chiếm đoạt tài sản của khách…

… khiến rất nhiều người hoang mang về độ an toàn của loại hình đầu tư này.

Mua trái phiếu

Mua trái phiếu về bản chất cũng là một hình thức đầu tư cho vay đấy bạn. Các nhà đầu tư cho vay bằng cách mua về những trái phiếu mà chính phủ hoặc một doanh nghiệp nào đó phát hành.

Trái phiếu do chính phủ phát hành thì gọi là trái phiếu chính phủ, trái phiếu do một doanh nghiệp/ công ty phát hành thì gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có loại trái phiếu phát hành bởi ngân hàng hay các tổ chức tài chính.

trái phiếu là gì, trái phiếu chính phủ là gì

Để dễ hiểu, bạn tưởng tượng trái phiếu như là một cái sổ nợ vậy đấy. Tức là khi bạn cho ai đó vay tiền, bạn là sẽ là người giữ giấy nợ, và đến hạn sẽ được trả nợ cộng thêm tiền lãi nữa.

Hồi xưa thì bạn có thể mua trái phiếu trực tiếp, còn ngày nay thường người ta mua trái phiếu gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư.

Hình thức đầu tư này rất ít rủi ro, đặc biệt là khi bạn mua trái phiếu do chính phủ phát hành. Tuy nhiên phần trăm sinh lời từ trái phiếu khá thấp, sau khi trừ đi lạm phát thì gần như không có lãi.

2.5. Đầu tư lướt sóng (đầu cơ)

Hình thức đầu tư tiếp theo mà trolytaichinh.com muốn kể đến đó là đầu tư lướt sóng. Tôi nghĩ ít nhiều bạn cũng đã nghe cụm từ này ở đâu đó rồi chứ hả?

Người ta thường gọi là đầu tư lướt sóng, vì họ vẫn muốn xem đây là một cách thức đầu tư. Tuy nhiên, tội lại thích gọi nó là “đầu cơ” hơn, vì bản chất của nó chính xác là đầu cơ.

Theo định nghĩa từ wiki, đầu cơ là việc mua một tài sản nào đó với hy vọng rằng nó sẽ trở nên có giá trị hơn trong tương lai gần. Trong tài chính, đầu cơ là tham gia vào các giao dịch tài chính rủi ro nhằm cố gắng kiếm lợi từ biến động ngắn hạn trong giá trị thị trường của một công cụ tài chính.

Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ định nghĩa một nhà đầu cơ là “một nhà giao dịch không phòng ngừa rủi ro, nhưng giao dịch với mục tiêu đạt được lợi nhuận thông qua dự đoán thành công của biến động giá”.

Đầu cơ bị lên án trên cơ sở đạo đức là tạo ra tiền từ tiền và do đó thúc đẩy các tệ nạn của cờ bạc.

Vậy, hiểu đơn giản thì đầu cơ là việc mua thứ gì đó (nhà đất, vàng, ngoại tệ…) rồi đợi giá lên trong thời gian ngắn thì bán đi, kiếm lời nhanh chóng lợi dụng sự biến động của thị trường.

Cái hại của đầu cơ là nó thường được dùng kèm với đòn bẩy (vốn vay) để tăng lợi nhuận. Và đó chính là “cõi chết” cho những người thiếu hiểu biết nhưng lại muốn kiếm nhiều tiền.

Thường thấy nhất là người ta hay đầu cơ vàng và ngoại tệ (tôi đã có nói ở trên). Đầu cơ vàng và ngoại tệ thực ra chỉ là một kiểu cá cược: một số người đoán rằng giá sẽ tăng, một số người đoán ngược lại, ai đoán trúng sẽ được tiền. Hoạt động này chẳng giúp gì cho nền kinh tế cả.

2.6. Đầu tư chứng khoán phái sinh

Tiếp đến là hình thức đầu tư chứng khoán phái sinh (CKPS) [wiki].

Ở nhiều nước thì hoạt động này đã rất phổ biến rồi, còn ở Việt Nam mình thì cũng chưa nhiều người biết đến mấy. Những người biết thì hầu hết chỉ biết mỗi phần ngọn rồi tham gia và bị dắt mũi mà không hay.

Mặc dù người ta vẫn hay gọi hình thức này là đầu tư CKPS, nhưng bản chất của nó cũng là đầu cơ luôn đấy. Cho nên phải gọi là đầu cơ CKPS thì mới chuẩn.

Đầu cơ vào CKPS thực ra là một kiểu cờ bạc, cá cược. Giống như đánh bài tiến lên, chơi xong thì sẽ có 3 thằng lỗ và 1 thằng hòa vốn :]] (đùa thôi ^.^).

hình thức đầu tư vào chứng khoán phái sinh ckps

Nếu ai đó thực sự hiểu cặn kẽ về loại hình này, và có phương pháp đúng đắn, bài bản thì họ luôn dành phần thắng. Và tất nhiên những người còn lại sẽ bị thua. Tiền từ túi người thua chạy qua túi người thắng một cách đều đặn.

Đầu cơ CKPS là hoạt động đầu cơ ngắn hạn, không thể nắm giữ lâu dài giống chứng khoán cơ sở vì phái sinh đến hạn là phải tất toán trạng thái. Vì sử dụng đòn bẩy tài chính cao cho nên rủi ro cũng cực kỳ cao.

Để có thể làm chủ hình thức này, cần phải có một chiến lược rõ ràng khi tham gia thị trường phái sinh, tránh rơi vào 2 thái cực trong giao dịch phái sinh là hoặc mua bán quá nhiều trong một ngày hoặc vào lệnh xong bỏ mặc không quan tâm đến trạng thái lệnh.

Tuy nhiên nếu dùng đúng với vai trò của nó, thì CKPS cũng có lợi… Ngoài vị trí tạo thêm kênh đầu cơ cho thị trường, CKPS còn giúp tăng độ hấp dẫn và an toàn hơn cho thị trường chứng khoán cơ sở bởi vai trò bảo hiểm (phòng hộ) của mình.

Các khái niệm về chứng khoán phái sinh (CKPS) là vô cùng phức tạp và rất đa dạng các thể loại

Trong CKPS có một dạng mà tôi nghĩ nhiều người biết đó là ngoại hối (foreign exchange, forex, FX). Trong mảng ngoại hối thì có mảng con là tiền mã hóa (cryptocurrency, tiền điện tử, tiền ảo)… Loại tiền mã hóa đầu tiên (2009) và cũng phổ biến nhất là Bitcoin (BTC). Bên cạnh đó là sự ra đời liên tiếp của một số đồng khác như: Litecoin (LTC), Ethereum (ETH), Zcash (ZEC), v.v.

Tóm lại, tôi không khuyến khích việc đầu cơ vào CKPS. Nếu ai đó muốn “chơi vì đam mê”, thì hãy trang bị kiến thức thật chắc, tâm lý thật vững trước khi thử sức.

2.7. Đầu tư đa cấp

Nghe là thấy ngứa ngứa rồi, đa cấp mà cũng được gọi là đầu tư sao?

Đúng, ở Việt Nam mình những người đi kêu gọi tham gia mô hình đa cấp, đều nói rằng đây là một phương thức đầu tư siêu lợi nhuận.

Với hình thức này, người ta bị dụ đưa tiền cho một tổ chức nào đó để được trả lãi cao, và được khuyến khích mời thêm nhiều người nữa tham gia.

Thực chất tiền vốn của người tham gia sau được lấy làm tiền lãi trả cho người tham gia trước. Đến một lúc nào đó, không còn người mới tham gia nữa thì hệ thống sụp đổ, những người tham gia sau cùng sẽ mất trắng.

hình thức đầu tư đa cấp

>> Muốn hiểu cặn kẽ về thể loại này, bạn hãy đọc bài: Bán hàng đa cấp là gì? Cách nhận biết đa cấp bất chính lừa đảo?

Ngoài ra, có một biến thể khác của nó tinh vi hơn nữa là tạo cổ phiếu ảo để người ta tranh mua đẩy giá lên. Cổ phiếu ảo là cổ phiếu của những công ty không có thật ở một nước xa xôi nào đó, người mua chỉ biết tên công ty qua Internet, chưa hề thấy sản phẩm của công ty. Cũng có người biết rằng việc này là rủi ro nhưng vẫn đưa tiền vào với hy vọng hệ thống không sụp đổ trước khi mình thu đủ vốn.

Kiểu đầu tư đa cấp này nó còn đáng sợ hơn cả đầu cơ nữa. Chính xác thì nó là “chiếm đoạt tiền của người khác” chứ không phải là đầu tư.

Vậy nên, để tránh rủi ro thì phải tìm hiểu kỹ xem tiền của mình sẽ đi đến đâu trước khi đưa tiền cho bất kỳ ai.

2.8. Đầu tư vào bảo hiểm

Cái này nghe cũng hơi lạ với nhiều người nè. Thực tế rất ít người hiểu được rằng tham gia bảo hiểm cũng là một cách đầu tư.

Trong thực tế, vì rủi ro là không báo trước nên có rất nhiều thứ cần được bảo hiểm: nhà cửa, xe cộ, tài sản quý giá, v.v.

Và chắc chắn nói tới bảo hiểm thì không thể bỏ qua bảo hiểm con người đúng không nào? “Còn người là còn của” cơ mà.

Trước hết thì các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ, là dạng bảo hiểm không tích lũy. Thế nên khi đầu tư vào mấy bảo hiểm này, chỉ có lời (về tiền) nếu xảy ra rủi ro mà thôi.

Còn về bảo hiểm nhân thọ (BHNT), hồi xửa hồi xưa thì chỉ có mỗi BHNT thuần túy thôi (tức không có giá trị tích lũy). Còn ngày nay, hầu hết các BHNT đều mang tính tích lũy.

Nghĩa là, tham gia bảo hiểm nhân thọ một mặt là để bảo hiểm, mặt khác là kiểu gửi tiết kiệm tương tự như gửi ngân hàng vậy đấy. Vậy thì nó cũng là một hình thức đầu tư tài chính.

Và đặc biệt hơn, trong BHNT còn có một loại hình là “bảo hiểm liên kết đầu tư” (BHLKĐT), loại này là đầu tư đúng nghĩa luôn đấy. BHLKĐT là loại bảo hiểm nhân thọ kết hợp với các quỹ mở, vậy nên tham gia loại bảo hiểm này có thể xem như một cách đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu, trái  phiếu… vậy đấy.

2.9. Đầu tư vào bản thân

Tôi đã điểm qua hết những hình thức đầu tư tài chính khả thi trên đời này rồi đấy.

Tuy nhiên, có bao giờ bạn nghe cụm từ “đầu tư vào bản thân” chưa nhỉ? Và bạn có nghĩ đây cũng là một cách đầu tư tài chính?

Riêng tôi thì có đấy, tôi luôn xem đây là phương thức đầu tư đáng quan tâm nhất đối với bản thân mình. Tại sao?

Đầu tư vào bản thân thực sự là cách đầu tư sinh lời hiệu quả đơn giản nhất, rủi ro thấp nhất và lợi nhuận đầu tư cao nhất…

Nó không yêu cầu bạn phải mất nhiều tiền như các phương thức đầu tư khác. Những gì bạn đầu tư vào bản thân là cách bạn có thể cải thiện thu nhập và hiệu suất đầu tư của bạn.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư quý giá nhất. Đây là khoản đầu tư không bị tính thuế và ngay cả lạm phát cũng không thể làm suy giảm giá trị của nó.

Bạn đầu tư kinh doanh, đối thủ cạnh tranh có thể làm ảnh hưởng đến công ty bạn. Nhưng nếu bạn đầu tư cho bản thân trước, không ai có thể lấy đi năng lực của bạn.

Dưới đây là một số cách tốt giúp bạn đầu tư bản thân:

  • Tham gia các khóa học giúp cải thiện kỹ năng và hiệu quả công việc. Sau đó bạn có thể được thăng chức, lương của bạn sẽ tăng lên nhiều lần.
  • Có chứng chỉ hoặc bằng cấp nào đó cho phép bạn có khả năng thăng chức hoặc tự mở doanh nghiệp.
  • Hợp tác với một nhà đào tạo giúp bạn thay đổi sự nghiệp trong tương lai.
  • Nghiên cứu kiến thức đầu tư để có thể nâng cao lợi tức đầu tư của bản thân.

*** Một số hình thức đầu tư tài chính khác

Ngoài tất cả những cách đầu tư tài chính nói trên, còn một vài hình thức khác mà có thể ít phổ biến hơn ở Việt Nam mình, hoặc có thể bạn chưa từng nghĩ tới luôn đấy. Ví dụ:

  • Đầu tư vào quỹ phòng hộ: Các quỹ phòng hộ, quỹ tự bảo hiểm rủi ro hay quỹ đối xung là các quỹ đầu tư tư nhân được quản lý chủ động, là một loại phương tiện đầu tư tập thể [wiki].
  • Mua chứng chỉ tiền gửi: Về bản chất, nó giống gửi tiết kiệm ngân hàng vậy đấy. Mua chứng chỉ tiền gửi cũng như cho ngân hàng vay tiền để kiếm lời. Nhưng cách hoạt động của nó thì lại giống trái phiếu hơn. Ở VN, chứng chỉ tiền gửi mới chỉ xuất hiện những năm gần đây và chưa được phổ biến rộng rãi [wiki].
  • Đầu tư bằng cách trả hết nợ: Nghe mắc cười ghê chưa, trả hết nợ cũng là đầu tư sao? Thực ra thì các khoản nợ (nợ thẻ tín dụng, nợ ngân hàng, nợ cty tài chính…) đều đẻ lãi. Vậy nên nếu bạn trả hết nợ, tức không còn phải còng lưng đi trả lãi, thì cũng có thể xem như là bạn kiếm lời như một cách đầu tư rồi đấy.

Chắc dừng được rồi ấy nhỉ, thế giới đầu tư sao mà phức tạp kinh khủng. Hàng đống các hình thức đa dạng, đọc xong cứ lộn tùng phèo hết cả lên.

Để không bị rối cũng như tránh tẩu hỏa nhập ma, bạn cứ đọc qua hết một lượt và cảm nhận xem mình thích hình thức nào, kiểu nào có thể phù hợp với mình…

Sau đó thì tập trung tìm hiểu sâu hơn về riêng cái mình chọn thôi, còn mấy thứ khác cứ vất hết vào sọt rác cho nhẹ đầu.

À mà để dễ dàng hơn cho bạn lựa chọn, Trợ Lý Tài Chính có một vài lời khuyên dành cho bạn đây…

3. Người mới nên tham gia hình thức đầu tư nào?

Như tôi có nói ở đầu bài, đầu tư tài chính không nhất thiết phải là bỏ tiền ra thì mới gọi là đầu tư.

Nếu bạn còn khó khăn trong tiền bạc, hãy suy nghĩ đến những cách đầu tư mà dùng nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và sự hiểu biết hơn để thay thế…

Ngày xưa thì khó, chứ thời buổi này đầy cái cho bạn làm đấy. Rất nhiều cách đầu tư mà không cần bỏ vốn (bằng tiền), hoặc chỉ cần rất ít thôi. Ví dụ như: bán hàng online kiểu dropshipping, kiếm tiền trên mạng (MMO), làm tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), v.v.

Khi bạn đã có một chút vốn rồi thì bắt đầu tập kinh doanh nhỏ lẻ và đơn giản thôi. Mở một shop nhỏ hay một sạp bán hàng, hoặc cũng có thể chỉ bán mỗi online thôi cũng được. (Đầu tư trực tiếp).

Tìm hiểu và tham gia ít nhất một quỹ đầu tư, tốt nhất là quỹ mở. Ngày nay các giải pháp quỹ mở ở VN mình là rất đa dạng để bạn lựa chọn, và hầu hết đều áp dụng công nghệ hiện đại nên mọi giao dịch đều có thể thực hiện online rất dễ dàng và tiện lợi. (Đầu tư gián tiếp).

Đầu tư vào bảo hiểm, đặc biệt là BHNT cần được ưu tiên. Hình thức này mang lại nhiều lợi ích hơn bạn tưởng đấy, không đơn thuần chỉ là kiếm lợi nhuận mà còn rất nhiều thứ để bạn phải cân nhắc…

Các hình thức đầu tư khó hơn chút như kiểu: bất động sản, cổ phiếu tự do, lập công ty kinh doanh… đòi hỏi khá nhiều kiến thức, thời gian cũng như sự hiểu biết. Chúng chỉ phù hợp cho những ai có nhiều vốn, kiến thức vững, có khả năng học hỏi, và quan trọng nhất là có khẩu vị rủi ro cao.

Ngoài ra, mấy kiểu đầu tư khác thì tôi KHÔNG khuyến khích. Cái thì chẳng mang lại lợi nhuận là bao, cái thì có thể kiếm lời đấy nhưng rủi ro lớn hoặc chả đem lại ích lợi gì cho xã hội…

Và điều cuối cùng, hãy đầu tư vào bản thân càng nhiều càng tốt. Tin tôi đi, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì khoản lợi nhuận “kếch xù” mà hoạt động đầu tư này mang lại.

Tạm kết

Cũng khá là đau đầu khi cố gắng để gom hết, phân loại và trình bày toàn bộ các hình thức đầu tư tài chính trên thế gian này vào một bài viết như vậy.

Tất nhiên, với mỗi hình thức tôi cũng đã tóm gọn những điểm chính yếu nhất mà bạn cần nắm…

Trong từng hình thức ấy, sẽ còn rất rất nhiều thể loại đầu tư cụ thể và chi tiết hơn nữa, cũng khó để tôi có thể đề cập và giải thích hết tất cả.

Vậy nên, bạn cứ dựa vào cái sườn này để có được những từ khóa quan trọng rồi tìm hiểu thêm ở các nguồn khác, Google có đủ cả. Ngoài ra, nếu bạn không rõ điểm nào cứ bình luận bên dưới cho trolytaichinh nhé.

Và tất nhiên, sau bài viết này tôi sẽ dành thời gian để viết các bài phân tích sâu hơn cho một vài hình thức đầu tư cụ thể nào đấy. Bạn có đề xuất cho tôi thứ tự ưu tiên nào không?

Thực ra thì khi nói về các hình thức đầu tư, mà dựa vào “Luật đầu tư” thì còn phức tạp kinh khủng khiếp nữa. Nên ở đây tôi không đã cố tình né cách thể hiện đó. Tuy vậy, vì “đầu tư” là một phạm trù khá “chuyên môn” nên có thể có nhiều thuật ngữ khó hiểu với mọi người, có gì bạn cứ hỏi tôi thoải mái nhé.

Bạn đã từng kinh qua những hình thức đầu tư nào rồi? Và bạn có điều gì muốn nhắn nhủ với những người đi sau không?

Bất kỳ điều gì chưa rõ, hoặc bạn có góp ý gì về nội dung ở trên tôi luôn sẵn sàng lắng nghe mọi lúc mọi nơi.

Cảm ơn bạn, chúc bạn lựa chọn được hình thức đầu tư ngon!

Xem thêm: Cách kiếm tiền trên Zalo Pay 2022 đơn giản ít người biết

— Bá An – Trợ lý tài chính —

Nhận thông báo bình luận
Thông báo qua email khi có:
guest
3 Comments
cũ nhất
mới nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Hoang van vu

1,Nếu làm nghề cho vay thì phải làm thế nào, tìm đâu ra chỗ xây dựng app vay tiền
……

Nguyễn Vũ Thành

Chào tác giả An Ba, trước hết xin cảm ơn bạn vì đã chia sẻ những kiến thức rất hay, rất hữu ích cho mọi người. Nhân bài viết này của bạn tôi muốn hỏi bạn về một hình thức đầu tư đang khá bùng nổ hiện nay là App MyAladdin. Bạn có thể chia sẻ quan điểm của bạn về hình thức đầu tư này được không?
Chúc bạn luôn mạnh khỏe và có nhiều bài viết hay hơn nữa!