Thẻ tín dụng là gì? Các loại thẻ tín dụng & cách mở thẻ?

Thẻ tín dụng là gì? Các loại thẻ tín dụng tốt nhất? Mở thẻ thế nào? …

Chắc hẳn còn rất nhiều người khá mơ hồ về thẻ tín dụng cũng như nhiều thứ liên quan đến nó. Và đó là lý do tôi viết bài này.

Ở đây, tôi muốn giúp bạn trả lời một số câu hỏi thường gặp nhất như sau:

  • Thẻ tín dụng là gì? Chức năng và lợi ích của thẻ tín dụng?
  • Các loại thẻ tín dụng, cách phân loại theo từng tiêu chí?
  • Điều kiện & thủ tục mở thẻ tín dụng?
  • Nên mở thẻ tín dụng ở ngân hàng nào?

Ngay tại bài viết này, từng nội dung sẽ được phân tích đầy đủ và cặn kẽ nhất. Bạn không cần phải đọc thêm bất kỳ nơi nào khác.

Bạn lời hơn tôi rồi đấy. Lúc trước để tìm đọc những thứ này, tôi phải tìm đến hàng chục bài viết trên Internet để xem rồi “chọn lọc”. Còn bạn, chỉ cần đọc 1 bài duy nhất!

Okie, bắt đầu thôi nào. Các nội dung được sắp xếp như sau:

1. Thẻ tín dụng là gì?

Phần này dành cho những ai chưa nắm được “thẻ tín dụng là gì” và cần tìm một câu trả lời đơn giản, dễ hiểu mà đầy đủ nhất.

thẻ tín dụng là gì

Ok, thẻ tín dụng là gì nhỉ?

>> Trước hết, để giúp bạn có cái nhìn chuẩn xác nhất về thẻ tín dụng, mời bạn ghé lại bài viết tổng hợp về thẻ ATM hôm trước. Ở đấy tôi có nói đến khái niệm “dạng tiền trong tài khoản” của thẻ tín dụng, đó chính là: tiền tín dụng (XEM Ở ĐÂY).

Vậy là, dạng tiền trong tài khoản của thẻ tín dụng chỉ là “tiền tín dụng” đúng không nhỉ? Chính xác mà nói, đây là chỉ “sự uy tín” của bạn đối với Ngân hàng (hay các tổ chức tín dụng). Nên họ cho phép bạn vay tiền để thanh toán trước, rồi sau đó mới phải trả lại cho họ.

Sau những phân tích như vậy, ta rút ra định nghĩa:

Thẻ tín dụng (TTD) là một loại thẻ ATM (hay thẻ thanh toán/ thẻ chi trả), được phát hành bởi Ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Loại thẻ này cho phép bạn thanh toán mà không cần có tiền sẵn trong thẻ. Thực chất là bạn đang vay tiền của Ngân hàng để trả tiền hàng hóa/ dịch vụ. Rồi cuối kỳ bạn sẽ phải trả lại số nợ này cho Ngân hàng. Xét về bản chất, thẻ tín dụng là một công cụ cho vay tiền của các Ngân hàng hay các tổ chức tín dụng (xem thêm ở wiki).

Thẻ tín dụng có tên Tiếng Anh là Credit Card. Bạn cần phân biệt nó với thẻ ghi nợ là Debit Card nhé. Tôi thấy rất nhiều người nhầm lẫn về các tên gọi này đấy.

Tiếp theo là:

2. Chức năng của thẻ tín dụng?

Theo khái niệm vừa trình bày ở trên, chúng ta đều thấy ngay được chức năng lớn nhất của TTD đó là thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Ngoài ra, mặc dù không khuyến khích nhưng chúng ta vẫn có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng được đấy. Tuy vậy, bạn cần chú ý mức phí cũng như lãi suất áp dụng cho từng loại thẻ khác nhau nhé.

Còn một chức năng nữa ít được người ta nhắc đến, đó là tính năng chuyển khoản. Tuy nhiên, có những hạn chế nhất định về việc chuyển khoản mà bạn cần xem xét.

Tóm lại, thẻ tín dụng có 3 chức năng chính:

(1)  Thanh toán thay thế tiền mặt: Cho phép chi tiêu trước trả tiền sau. Hầu hết các Ngân hàng đều cung cấp 45-55 ngày miễn lãi. Sau đó bạn cần trả lại toàn bộ hay một phần số tiền đã tiêu (tùy chính sách từng Ngân hàng).

(2) Rút tiền mặt: Các TTD đều cho phép rút tiền mặt theo hạn mức nhất định. Thường thấp hơn hạn mức chi tiêu (50%-100% tùy Ngân hàng).

(3) Chuyển khoản: Hầu hết là chuyển khoản cho người bán thông qua máy POS, hoặc chuyển khoản bằng số tiền để sẵn trong “tài khoản tiền gửi thanh toán”.

Tiếp nữa là:

3. Lợi ích của thẻ tín dụng?

Nhờ những tính năng nêu trên, mà thẻ tín dụng mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích:

  • Luôn cảm thấy an tâm về túi tiền mọi lúc mọi nơi: Thoát khỏi nỗi lo đã cuối tháng mà vẫn chưa nhận lương, cần mua gấp thứ gì đó mà chưa có đủ xèng, đi mua sắm hay ăn uống mà lỡ để quên tiền,…
  • Sở hữu ví tiền siêu an toàn (hạn chế mang tiền mặt bên mình): Tránh bị đánh rơi, trộm cướp, ví căng ngồi tê cả mông,…
  • Mua hàng online (trực tuyến) nhanh, tiện và cực kỳ bảo mật: Đây là xu hướng mua hàng thời công nghệ. Hầu hết mọi người đã quen dần với việc mua hàng trên mạng và thanh toán bằng thẻ thay cho tiền mặt.
  • Nhận nhiều ưu đãi tuyệt vời (hoàn tiền, tích điểm, giảm giá,…) từ các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn TMĐT lớn (Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi, Sendo,…) => Xem các phương thức thanh toán. Và rất nhiều ngành hàng khác trong đời sống: hãng hàng không, du lịch, giáo dục, ẩm thực, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe,…
  • Vay tiền bằng thẻ tín dụng: bạn được cấp các khoản vay tín chấp từ nhiều đơn vị cho vay.
  • Không phải nhận kẹo bất đắc dĩ thay cho tiền lẻ, tiền thừa (tiền phụ lại) từ phía siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…
  • Tăng vị thế của bản thân: Trông bạn sang trọng và quý phái hơn hẳn khi cầm thẻ tín dụng “cà cà quẹt quẹt” đấy. Ra phong cách của người hiện đại ngay!

Hết chưa nhỉ? Tôi mới chỉ nhớ ra bấy nhiêu đây lợi ích thôi. Còn hàng đống thứ hay ho nữa mà tự bạn sẽ được trải nghiệm khi sở hữu Credit Card đấy.

Và tiếp theo là:

4. Phân loại các loại thẻ tín dụng?

Ở đây chúng ta sẽ phân loại các loại thẻ tín dụng theo từng tiêu chí khác nhau.

Cũng như cách mà tôi dùng để phân loại thẻ ATM ở bài viết trước, ở đây chúng ta cũng phân loại thẻ tín dụng theo các tiêu chí tương tự. Bạn nên đọc kỹ lại để hiểu rõ cách phân loại mà tôi trình bày nhé.

Cụ thể, các loại thẻ tín dụng sẽ được phân loại dựa theo một số tiêu chí như sau:

4.1. Theo đơn vị phát hành thẻ

Gồm 2 loại là: thẻ tín dụng ngân hàng & thẻ tín dụng phi ngân hàng.

– Thẻ tín dụng ngân hàng: Là loại thẻ tín dụng được cấp phát bởi các Ngân hàng. Vd: Shinhan Bank, Citibank, HSBC,…

– Thẻ tín dụng phi ngân hàng: Là loại thẻ tín dụng được cấp phát bởi các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Vd: FE Credit, Home Credit, VietCredit,…

>> À bạn biết chưa nhỉ: Apple cũng phát hành thẻ tín dụng nữa đấy. Đây là chiếc Credit Card đầu tiên không được tạo ra bởi Ngân hàng hay một tổ chức tín dụng: https://www.apple.com/apple-card/

4.2. Theo phạm vi địa lý

Gồm 2 loại là: thẻ tín dụng nội địa & thẻ tín dụng quốc tế.

– Thẻ tín dụng nội địa: Là loại thẻ tín dụng được cấp phát và được quản lý bởi các Ngân hàng hay tổ chức tín dụng trong nước.

Được sử dụng chỉ để giao dịch trong một quốc gia, đồng tiền sử dụng là đồng nội tệ. Sản phẩm TTD nội địa không được phát hành rộng rãi, chỉ có số ít ngân hàng phát hành thẻ nội địa.

– Thẻ tín dụng quốc tế: Được cấp phát bởi các đơn vị trong nước, nhưng dưới sự quản lý và giám sát của các “tổ chức thẻ thanh toán quốc tế” (Visa, MasterCard, JCB,…). Cho phép bạn sử dụng thanh toán giao dịch trên toàn thế giới, sử dụng nhiều loại tiền tệ khác nhau.

4.3. Theo chủ thể sử dụng thẻ

Gồm 2 loại là: thẻ tín dụng cá nhân & thẻ tín dụng doanh nghiệp.

– Thẻ tín dụng cá nhân: Được cấp cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng thẻ & chịu trách nhiệm thanh toán bằng nguồn tiền của mình.

– Thẻ tín dụng doanh nghiệp: Được cấp cho các tổ chức, công ty có nhu cầu sử dụng thẻ & chịu trách nhiệm thanh toán bằng nguồn tiền của tổ chức đó.

Tổ chức, công ty xin phát hành thẻ sẽ uỷ quyền cho một cá nhân trong doanh nghiệp dùng thẻ. Thường là Tổng giám đốc, giám đốc tài chính, hoặc bất kỳ người nào khác trong công ty. Việc ủy quyền này phải kèm giấy ủy quyền hợp pháp theo chỉ định.

4.4. Theo cấp độ sở hữu

Gồm 2 loại là: thẻ tín dụng chính & thẻ tín dụng phụ.

– Thẻ tín dụng chính: Thẻ chính dành cho người đứng tên xin phát hành cho bản thân họ (hoặc doanh nghiệp) sử dụng.

– Thẻ tín dụng phụ: Do chủ thẻ chính đứng tên xin phát hành và chịu trách nhiệm với các khoản chi tiêu của thẻ phụ. Hạn mức thẻ phụ nằm trong giới hạn của thẻ chính.

Ngoài 4 tiêu chí vừa nêu trên, người ta còn phân các loại thẻ tín dụng theo:

  • Hạng thẻ: chuẩn (Classic/ Standard), vàng (Gold), bạch kim (Platinum),…
  • Đặc tính kỹ thuật: thẻ từ & thẻ chip.
  • Nhu cầu tiêu dùng: hoàn tiền, điểm thưởng, dặm bay, đồng thương hiệu, miễn phí trả chậm, miễn phí rút tiền,…

Tiếp theo, chúng ta cần xem xét:

5. Điều kiện & thủ tục làm thẻ tín dụng?

5.1. Điều kiện mở thẻ tín dụng

Trước tiên là các điều kiện cơ bản nhất để có thể mở Thẻ tín dụng:

  • Cá nhân (người Việt Nam hoặc người nước ngoài) đang sinh sống tại VN hoặc những cá nhân, các công ty được ủy quyền sử dụng thẻ.
  • Cá nhân từ 18 tuổi trở lên có đầy đủ hành vi dân sự theo pháp luật. Đối với thẻ phụ (có thể từ 15 tuổi).
  • Có lương chuyển khoản tối thiểu 3 tháng tại cơ quan, công ty.
  • Ngoài ra, nếu nhận lương tiền mặt thì bạn có thể áp dụng một số cách làm thẻ tín dụng không cần chứng minh thu nhập.

Vừa rồi là các điều kiện chung. Tuy vậy, tùy từng đơn vị phát hành thẻ cũng như từng loại thẻ cụ thể, chúng ta sẽ có một số điều kiện riêng biệt. Thí dụ:

5.2. Thủ tục làm thẻ tín dụng

Để làm thẻ tín dụng, trước hết bạn cần chuẩn bị sẵn một số giấy tờ/ hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đăng ký mở thẻ tín dụng theo mẫu từng ngân hàng.
  • CMND hoặc hộ chiếu.
  • Bản sao Sổ hộ khẩu/ sổ đăng ký tạm trú KT3.
  • Giấy tờ chứng minh thu nhập: Hợp đồng lao động, sao kê chuyển khoản lương ngân hàng 3 tháng gần nhất hoặc bảng lương từ cơ quan công tác,…

Sau đó, bạn cần gửi yêu cầu mở thẻ đến các Ngân hàng (Online hoặc Offline). Thủ tục như sau:

  • Bước 1: Gửi yêu cầu mở thẻ. Bạn có thể ra trực tiếp Ngân hàng để thực hiện. Ngoài ra, hầu hết các Ngân hàng bây giờ đều cho phép bạn gửi yêu cầu Online.
  • Bước 2: Cung cấp các giấy tờ đã chuẩn bị ở trên theo yêu cầu của từng Ngân hàng.
  • Bước 3: Ngân hàng tiến hành thẩm định: xác minh giấy tờ, khả năng trả nợ, phân hạn mức tín dụng. Thường là từ vài ngày đến 1 tuần cho khâu này.
  • Bước 4: Ngân hàng sao lưu thông tin Khách hàng. Bạn (chủ thẻ) sẽ ký tên và đăng ký chữ ký mẫu tại Ngân hàng.
  • Bước 5: Khách hàng nhận thẻ & có thể bắt đầu sử dụng thẻ.

Cái này quan trọng nè:

6. Lời khuyên: Nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào?

Thời gian gần đây tôi liên tục nhận được câu hỏi kiểu thế này. Mọi người đều muốn xin lời khuyên là nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào? Hay các thắc mắc đại loại như:

  • Mở thẻ tín dụng ngân hàng nào dễ nhất?
  • Thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất?

Nhanh gọn, tôi muốn nói với bạn thế này: Thực ra cái mà bạn cần cân nhắc hơn đó là loại thẻ & hạng thẻ theo đúng sở thích cũng như nhu cầu tiêu dùng của bản thân (đọc kỹ lại phần 4 – Phân loại).

Còn việc chọn Ngân hàng nào, hay đơn vị phát hành nào không thực sự quan trọng lắm. Bởi hiện nay các Ngân hàng rất cạnh tranh với nhau.

Vì vậy tất cả họ đều trau chuốt cho dịch vụ Thẻ tín dụng của mình tốt nhất có thể, cũng như khâu CSKH là cực kỳ tốt và ưu đãi.

Hơn nữa, quy trình mở thẻ ngày càng tối giản, hỗ trợ “tận răng” để tiếp cận mọi Khách hàng cũng như giúp họ tiết kiệm thời gian nhất. Hầu hết đều cho phép mở thẻ trực tuyến, thậm chí là giao thẻ tận nơi.

Thế nên, thay vì hỏi nên mở thẻ tín dụng ngân hàng nào, thì bạn hãy tự hỏi nên mở loại thẻ tín dụng nào?

Và tất nhiên, loại thẻ tốt (phí cao hơn) thì đi kèm là dịch vụ và ưu đãi cũng tốt hơn. Một số lựa chọn ngon dành cho bạn:

– Ngân hàng nội địa: VPBankSacombank | Techcombank | VIB | ACB | Timo

– Ngân hàng quốc tế: Citibank | Shinhan Bank | Standard Chartered …

– Tổ chức tín dụng: FE Credit | Home Credit | Lotte Finance …

Cuối cùng là:

7. Các câu hỏi thường gặp

Bạn nhấn vào từng câu hỏi bên dưới để xem câu trả lời nhé:

Số thẻ tín dụng là gì?
– Là dãy số (thường in nổi) trên mặt trước của TTD. Lưu ý là: Số thẻ khác với Số tài khoản.
Mã CVV/CVC là gì? Verify thẻ tín dụng là gì?
– Mã CVV/CVC là 3 chữ số cuối của dãy số nằm ở mặt sau của TTD. Đây là mã xác minh (Verify) của thẻ Visa hoặc MasterCard (Card Verification Value/ Card Verification Code). Dùng để xác minh chủ thẻ khi thanh toán.
Hạn mức thẻ tín dụng là gì?
– Là số tiền tối đa bạn được phép sử dụng trong chu kỳ nhất định.
Lãi suất/ phí trả chậm thẻ tín dụng là gì?
– Khi bạn chậm thanh toán sau thời gian miễn lãi, bạn sẽ phải trả một khoản phí. Đồng thời chịu mức lãi suất trên số tiền chậm thanh toán tính theo số ngày thực tế.
Hoàn tiền thẻ tín dụng là gì?
– Một số loại TTD (thường là loại Cashback – hoàn tiền) trả lại cho bạn một số tiền nhất định sau khi mua hàng hóa/ dịch vụ.
Dư nợ thẻ tín dụng là gì?
– Là số tiền mà bạn đã chi tiêu bằng TTD để mua sắm hay thanh toán. Tức là số tiền mà bạn đang nợ Ngân hàng.

Lời kết

Wow, những thứ tôi vừa trình bày giải quyết hết được các thắc mắc của bạn rồi chứ hả?

Bao gồm: thẻ tín dụng là gì, các loại thẻ tín dụng & cách phân loại, điều kiện & thủ tục làm TTD, lời khuyên mở thẻ, một số thuật ngữ về TTD mà nhiều người hỏi nhất.

Những thông tin tôi đưa ra đã đủ chi tiết và rõ ràng với bạn chưa? Bạn thấy còn chỗ nào cần được giải thích thêm không?

Ngoài ra, có thông tin nào bạn cũng muốn biết mà chưa được trình bày ở trên không nhỉ?

Bất kỳ điều gì bạn cần được hỗ trợ thêm, hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nhé. Và nếu thấy nó hữu ích, bạn không ngại chia sẻ bài viết này cho bạn bè của mình chứ?

Bạn có đang dùng cái thẻ tín dụng nào không, là của Ngân hàng nào? Cùng chia sẻ với mọi người về ưu điểm, nhược điểm cũng như trải nghiệm của bạn về nó…

Cảm ơn bạn và cùng chờ xem các bài viết tiếp theo nhé!

— Trợ lý tài chính Anba —

Nhận thông báo bình luận
Thông báo qua email khi có:
guest
1 Comment
cũ nhất
mới nhất
Inline Feedbacks
View all comments