the atm la gi, cach lam the atm

Thẻ ATM là gì? Cách phân loại 69+ thẻ ATM chi tiết?

Chào bạn,

Hiện tại bạn đang sở hữu bao nhiêu cái thẻ bên mình?

Thẻ gì cũng được: thẻ xe, thẻ cào điện thoại, thẻ chung cư, thẻ nhân viên, thẻ “ngành”,… Vô vàn loại thẻ trên đời này ấy nhỉ?

Nhưng chưa đâu!!! Nếu xét sâu vào khía cạnh tài chính – ngân hàng; hay rõ hơn là mấy thứ liên quan đến tiền bạc, thanh toán, chi trả, mua sắm,… thì còn đến hàng chục loại thẻ khác nhau khiến bạn phải đau đầu đấy!

Nào là thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, thẻ nội địa, thẻ quốc tế,… và khoảng 69 loại thẻ khác nữa 😀

Tất cả chúng đều có một đặc tính chung nhất là thay thế tiền mặt cho một mục đích cụ thể nào đó – quy đổi, giao dịch, thanh toán hóa đơn,…

>> Xem thêm: Các phương thức Thanh Toán ONLINE trên Tiki Shopee Adayroi…

Liệu bạn đã nghe qua và phân biệt được toàn bộ bọn chúng chưa nhỉ?

Nếu chưa, ở đây Trợ Lý Tài Chính sẽ làm rõ tất cả ngay cho bạn.

Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ nói về các loại thẻ thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng thôi nhé!

Trước hết, toàn bộ những loại thẻ này, chúng ta có thể gọi chung với cái tên mà cực kỳ quen thuộc với bạn đấy. Đó là “thẻ ATM” hoặc “thẻ thanh toán”.

Bài viết gồm các phần như sau:

Thẻ ATM là gì?

Để bạn hiểu đầy đủ về thẻ ATM, tôi xin làm rõ cái từ “ATM” trước nhé:

ATM (chúng ta thường đọc là: ây ti em); hay còn được gọi là “cây ATM”, “máy ATM” hoặc “trụ ATM”. ATM là viết tắt của từ Automated Teller Machine hoặc Automatic Teller Machine trong tiếng Anh, dịch ra là máy rút tiền tự động hay máy giao dịch tự động.

Đây là một cái máy thuộc sở hữu của các Ngân hàng, được đặt ở nhiều nơi trên khắp các con đường. Máy ATM giúp Khách hàng thực hiện rất nhiều các giao dịch liên quan đến tiền bạc, như: kiểm tra tài khoản, rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ,…

Thế còn thẻ ATM là gì?

Thẻ ATM là bất kỳ cái thẻ nào sử dụng được trên máy ATM (wiki). Thẻ ATM có chức năng như là một thiết bị nhận dạng danh tính của bạn, cho phép bạn thực hiện các giao dịch trên máy ATM mà tôi nói ở trên.

Hơn nữa, không chỉ sử dụng được trên máy ATM, thẻ ATM còn được dùng để thanh toán hóa đơn tại các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) thông qua máy POS hoặc máy EDC.

Vì thế, thẻ ATM còn có một vài cách gọi khác như là thẻ thanh toán hoặc thẻ chi trả.

Phân loại các loại thẻ ATM?

Vì tất cả các loại thẻ liên quan đến tài chính – ngân hàng đều có thể gọi là thẻ ATM. Mà nói đến thẻ ATM thì còn có rất nhiều loại khác nhau nữa.

Nhiều người trong chúng ta (kể cả tôi lúc trước cũng vậy) vẫn bị rối bởi tùm lum loại thẻ lên hết, không biết cái nào ra cái nào luôn!

Không sao, trolytaichinh.com sẽ chỉ ra cho bạn ngay thôi. Ở đây, chúng ta phân loại dựa theo một số tiêu chí:

1. Theo đơn vị phát hành thẻ

Hầu hết chúng ta đều biết rằng thẻ ATM được phát hành bởi các Ngân hàng. Vì thế ta hay gọi chúng là thẻ ngân hàng. Ví dụ: Sacombank, Vietcombank, VPBank.

Tuy nhiên, không phải chỉ mỗi Ngân hàng mới phát hành thẻ ATM đâu bạn. Mà thẻ ATM còn được phát hành bởi các Tổ chức tài chính khác (tín dụng, cho vay,…). Ví dụ: FE Credit, Home Credit.

Thậm chí là các Doanh nghiệp, Công ty phi tài chính cũng phát hành thẻ thanh toán dành riêng cho Khách hàng/ hội viên để sử dụng các dịch vụ của họ. Ví dụ: Lotte, BigC, Amazon.

Các loại thẻ này có thể là thẻ quà tặng, thẻ ưu đãi, thẻ sử dụng dịch vụ. Và tôi gọi chung nhóm thẻ không do Ngân hàng phát hành này là thẻ thanh toán khác hay thẻ phi ngân hàng.

Ngoài ra, có một loại thẻ do các Ngân hàng liên kết với các Tổ chức/ Doanh nghiệp khác để xuất bản thì được gọi là thẻ đồng thương hiệu. Loại này ta vẫn có thể xếp chúng vào nhóm “thẻ ngân hàng” (vì Ngân hàng là đơn vị chủ quản chính).

Theo đơn vị phát hành thẻ:
Thẻ ngân hàng/ Thẻ phi ngân hàng.

2. Theo dạng tiền trong tài khoản

Bình thường chúng ta sử dụng tiền mặt để giao dịch. Nhưng khi dùng thẻ ATM, chúng ta còn tác động đến một khoản tiền khác đó là “tiền trong tài khoản”.

Tiền trong tài khoản, thực ra nó chỉ tồn tại dưới dạng các con số trên các hệ thống lưu trữ dữ liệu. Nó đại diện cho một lượng tiền mặt tương ứng ở bên ngoài.

Về cơ bản, 3 dạng tiền trong tài khoản:

(a) Dạng thứ nhất – tiền tín dụng: Thực chất đây chỉ là “sự uy tín” của bạn. Ngân hàng tin bạn và cho phép bạn mượn tạm tiền của họ để giao dịch trước, rồi mới phải trả lại cho họ sau.

(b) Dạng thứ hai – tiền lưu trữ ở ngân hàng: Bạn đã gửi trước một khoản tiền mặt cụ thể vào Ngân hàng. Họ có nhiệm vụ giữ giúp bạn. Khi cần, bạn sẽ trích dần số tiền đó ra để giao dịch, hoặc có thể rút tiền mặt để sử dụng.

(c) Dạng thứ ba – tiền đại diện cho giá trị hàng hóa/ dịch vụ: Đây là khoản tiền “ảo nhất”. Nó vẫn được định lượng bằng đơn vị Đồng (VND). Tuy nhiên, trên thực tế bạn chỉ có thể dùng nó để mua hàng hay sử dụng dịch vụ, chứ không thể quy đổi ra tiền mặt được.

Và đây là cách mà người ta phân chia các loại thẻ ATM theo dạng tiền trong tài khoản:

(1) Thẻ tín dụng (Credit card)

Là loại thẻ ATM cho phép sử dụng dạng “tiền tín dụng” (a) để giao dịch.

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều hỗ trợ nhiều dòng thẻ tín dụng đa dạng. Ngoài ra, bạn còn có thể mở thẻ tín dụng ở các tổ chức tài chính khác như: FE Credit, Home Credit.

Vì thế, bạn có thể tùy chọn mở tài khoản ngân hàng hoặc không, tùy vào bạn muốn sử dụng thẻ tín dụng của tổ chức nào.

>> Để có cái nhìn toàn diện về thẻ tín dụng, bạn xem bài viết này: Thẻ tín dụng là gì? Các loại thẻ tín dụng & cách mở thẻ?
(2) Thẻ ghi nợ (Debit card)

Là loại thẻ ATM cho phép sử dụng dạng “tiền lưu trữ ở ngân hàng” (b) để giao dịch.

Đây là loại thẻ phổ biến với nhiều người Việt Nam chúng ta nhất. Vì thế, khi nhắc đến thẻ ATM (hay thẻ thanh toán), ta thường hiểu là đang nói đến thẻ ghi nợ. Hay nói cách khác, chúng ta thường gọi thẻ ghi nợ là thẻ thanh toán.

Thẻ ghi nợ chỉ được phát hành bởi các Ngân hàng, thế nên bạn cần mở một tài khoản ngân hàng để có thể sử dụng loại thẻ này.

Theo đó, bạn cần nạp sẵn tiền vào tài khoản thanh toán của mình để sử dụng dần. Thường thì bạn chỉ được phép sử dụng tối đa số tiền trong tài khoản. Hay một số Ngân hàng yêu cầu giữ số dư tối thiểu (50k, 100k,…).

Tuy vậy, lại có một số Ngân hàng cho phép bạn rút xuống mức âm (còn gọi là rút thấu chi). Đây có thể xem là một dịch vụ tín dụng giá trị gia tăng.

(3) Thẻ trả trước (Prepaid card)

Là loại thẻ ATM cho phép sử dụng dạng “tiền đại diện cho giá trị hàng hóa/ dịch vụ” (c) để giao dịch. Hiện nay, thẻ trả trước còn được mở rộng ra, cho phép sử dụng dạng “tiền lưu trữ ở ngân hàng” (b) tương tự như thẻ ghi nợ.

Thẻ trả trước có thể được phát hành bởi Ngân hàng. Tuy nhiên phần nhiều các thẻ này được phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng khác để gia tăng lưu lượng mua hàng hóa/ dịch vụ của họ. Ví dụ: siêu thị, sàn TMĐT, Facebook, cửa hàng ứng dụng,…

Thẻ trả trước còn được phân loại thành các dạng chuyên biệt như: thẻ định danh/ thẻ vô danh, thẻ nội địa/ thẻ quốc tế, thẻ vật lý/ thẻ ảo. Tôi sẽ làm rõ phần này sau.

Theo dạng tiền trong tài khoản:
Thẻ tín dụng/ Thẻ ghi nợ/ Thẻ trả trước.

3. Theo phạm vi địa lý

Phạm vi địa lý ở đây là phạm vi lãnh thổ cho phép sử dụng thẻ để giao dịch, có 2 phạm vi chính là trong nước (Việt Nam) và quốc tế.

Loại thẻ ATM thứ nhất chỉ cho phép sử dụng trong nước thì gọi là thẻ nội địa. Thường thì tên của các thẻ này chỉ đơn giản là tên của các Ngân hàng trong nước. Ví dụ: Timo, Techcombank, Citibank.

Loại thẻ ATM thứ hai cho phép sử dụng cả ở VN và nước ngoài thì gọi là thẻ quốc tế. Các thẻ này tên của chúng sẽ gồm 2 phần: tên Ngân hàng + tên tổ chức thanh toán quốc tế. Ví dụ: Sacombank Visa, Citibank MasterCard, Viettinbank JCB.

>> Xem thêm: Thẻ thanh toán quốc tế là gì? Các loại thẻ quốc tế tốt nhất?

Theo phạm vi địa lý:
Thẻ nội địa/ Thẻ quốc tế.

4. Theo cấp độ sở hữu

Hầu hết các loại thẻ ATM mà chúng ta nhắc tới đều là thẻ chính. Ngoài ra, chủ thẻ chính còn được quyền mở thêm một vài thẻ phụ cho người thân của mình.

Điều kiện để mở thẻ phụ là cực kỳ đơn giản. Từ đủ 15 tuổi là đã có thể mở thẻ phụ, mở thẻ tín dụng phụ cũng không cần phải chứng minh thu nhập. Tuy nhiên, thẻ ATM phụ sẽ có một số hạn chế nhất định (phụ thuộc vào thẻ chính).

Theo cấp độ sở hữu:
Thẻ chính/ Thẻ phụ.

5. Theo đặc tính kỹ thuật

Hiện nay tồn tại 2 công nghệ lưu trữ và mã hóa dữ liệu trên các thẻ ATM: dạng từ và dạng chip. Trong đó thẻ sử dụng chip là công nghệ mới hơn và độ bảo mật cao hơn.

phan biet the tu va the chip

Thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ. Trong khi đó, thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử vào trong thẻ, các thông tin quan trọng được mã hóa.

Theo đặc tính kỹ thuật:
Thẻ từ/ Thẻ chip.

6. Theo chủ thể sử dụng thẻ

Chủ thể đăng ký và sử dụng thẻ có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp. Nếu chủ thể là cá nhân thì ta gọi là thẻ ATM cá nhân, còn chủ thể là doanh nghiệp thì ta gọi là thẻ ATM doanh nghiệp.

Theo chủ thể sử dụng thẻ:
Thẻ cá nhân/ Thẻ doanh nghiệp.

Ngoài ra, người ta còn phân các loại thẻ ATM theo hạng thẻ bao gồm: chuẩn (Classic/ Standard), vàng (Gold), bạch kim (Platinum),… Hạng thẻ quy định các mức phí tương ứng với các ưu đãi đi kèm.

Các loại thẻ ATM phổ biến nhất?

Ờ phần vừa rồi, Trợ Lý Tài Chính đã giúp bạn phân loại thẻ ATM một cách cặn kẽ nhất theo nhiều phương diện khác nhau.

Lý thuyết là vậy, tuy nhiên trong thực tế chúng ta lại bắt gặp những tên thẻ không hẳn giống y chang như trên. Mà tên của chúng lại kết hợp 2 hay nhiều yếu tố để tạo nên 1 dạng thẻ nhất định.

Ví dụ: thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ thanh toán quốc tế,…

Vậy rốt cuộc chúng thuộc thể loại nào? Sao lại lộn xộn lên hết vậy ta?

Bạn xem bảng này để dễ hình dung hơn nhé:

Loại thẻGhi nợTín dụngTrả trước
Nội địa(1)(3)(5)
Quốc tế(2)(4)(6)

Theo bảng trên, với sự kết hợp của 2 tiêu chí: “dạng tiền trong tài khoản” và “phạm vi địa lý” ta sẽ có 6 loại thẻ khác nhau:

  • (1) Thẻ ghi nợ nội địa
  • (2) Thẻ ghi nợ quốc tế
  • (3) Thẻ tín dụng nội địa
  • (4) Thẻ tín dụng quốc tế
  • (5) Thẻ trả trước nội địa
  • (6) Thẻ trả trước quốc tế

Ví dụ: thẻ ghi nợ nội địa là loại thẻ yêu cầu nạp tiền trước ở tài khoản ngân hàng, và chỉ sử dụng được ở phạm vi trong nước. Tương tự đối với các loại thẻ còn lại bạn nhé!

Vừa rồi tôi mới chỉ kết hợp 2 tiêu chí để tạo ra các loại thẻ phổ biến nhất. Ngoài ra khi xét theo các tiêu chí khác nữa, chúng ta sẽ có đến hàng chục loại thẻ khác nhau đấy bạn ạ.

>> Xem thêm: Điều kiện mở thẻ tín dụng quốc tế VPBank MasterCard?

Lời kết

Vậy là với những thông tin bên trên, bạn đã nắm được thẻ ATM là gì, cũng như cách phân loại các loại thẻ ATM theo từng tiêu chí rồi chứ?

Hy vọng là chúng giúp bạn có cái nhìn tổng thể và hiểu hơn về từng loại thẻ, tính năng của chúng. Từ đó đưa ra được lựa chọn để sở hữu một cái thẻ phù hợp nhất.

Nếu bạn chưa rõ ở điểm nào, đừng ngại bình luận bên dưới đặt câu nhé cho tôi bạn nhé!

Tôi nghĩ ít nhất bạn cũng phải có 1 cái thẻ ATM chứ hả? Thẻ của bạn là loại thẻ gì? Bạn hài lòng nhất với tính năng nào của nó? Cùng chia sẻ với nhau nhé… Xem tiếp:

  1. Thẻ quốc tế là gì?
  2. Thẻ tín dụng là gì?

Chào tạm biệt và hẹn gặp lại ở các bài viết tiếp theo!

Trợ lý tài chính Anba —

Nhận thông báo bình luận
Thông báo qua email khi có:
guest
3 Comments
cũ nhất
mới nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Bac Nguyen

Hay quá anh ơi, ai muốn học hỏi đều thấy hay anh ạ ra bài thường xuyên về tài chính nha anh.